Tóm tắt sách: Sapiens – Lược sử loài người

Cách đây 2,5 triệu năm, con người chỉ là một loài sinh vật sinh sau đẻ muộn, nhỏ bé, yếu ớt và vô danh, tác động của chúng ta tới Trái Đất chỉ ngang bằng loài sứa, loài khỉ đột…
Mặc dù chúng ta mới chỉ có mặt trên Trái Đất trong một khoảng thời gian rất ngắn so với chiều dài lịch sử, chúng ta lại có được rất nhiều. Không một loài nào khác đến gần với ngôi vị thống trị hành tinh như chúng ta đang có. Vậy tất cả điều này có thể xảy ra như thế nào?
Sapiens – Lược sử loài người, cuốn sách được cả Bill Gates và Mark Zuckerberg tìm đọc và khen ngợi, một trong những cuốn sách lịch sử bán chạy nhất trên thế giới, sẽ giới thiệu về một “tổng sử” về hành trình thống trị Trái Đất của chúng ta.
Trong tóm tắt này, chúng ta sẽ khám phá những yếu tố then chốt trong lịch sử nhân loại – từ sự phát triển của ngôn ngữ đến việc tạo ra tiền – đã khiến chúng ta có những bước phát triển như bây giờ.
Với Sapiens – Lược sử loài người, bạn sẽ có cơ hội được khám phá lý do:
• Tại sao nông nghiệp không tốt đẹp như chúng ta vẫn tưởng mà thực sự khiến chúng ta trở nên tồi tệ hơn.
• Tại sao các loại văn bản được phát minh ra và sứ mệnh của chúng
• Tại sao những thập kỷ cuối cùng lại là quãng thời gian hòa bình nhất trong lịch sử nhân loại và hành trình đi tìm hạnh phúc của loài người.
Tác giả

Giáo sư Yuval Noah Harari sinh ở Haifa, Israel, năm 1976. Ông nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Oxford vào năm 2002, và hiện đang là giảng viên Khoa Lịch sử thuộc Đại học Hebrew (Jerusalem).
Lịch sử thế giới, lịch sử thời Trung cổ và lịch sử quân sự là những chủ đề mà Harari đặc biệt quan tâm. Những nghiên cứu hiện nay của ông tập trung vào những câu hỏi khái quát lớn, chẳng hạn như: Quan hệ giữa lịch sử và sinh học là gì? Sự khác biệt chủ yếu giữa Homo sapiens và các động vật khác là gì? Có công lý trong lịch sử không? Liệu lịch sử có một hướng đi? Có phải con người trở nên hạnh phúc hơn?
Tác phẩm Sapiens – Lược sử loài người đã trở thành hiện tượng xuất bản trên toàn thế giới, được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ và được Barack Obama, Bill Gates, Mark Zuckerberg cùng nhiều người nổi tiếng khác khuyên đọc.

Từ một động vật tầm thường chỉ có địa vị ngang với loài kiến, con người đã trở thành loài đứng đầu chuỗi thức ăn

Vào buổi bình minh, loài người vươn vai và tự hỏi: Những người khác đi đâu cả rồi?
Cách đây hơn 2,5 triệu năm, loài người chẳng là gì khác ngoài một động vật tầm thường. Thậm chí sự ảnh hưởng của chúng ta còn thua xa loài ong mật hay thậm chí một con sứa. Mặc dù Homo sapiens có bộ não lớn, đi thẳng, biết sử dụng công cụ và có tổ chức xã hội cao, nhưng các loài người khác cũng như vậy. Ví dụ Neanderthals cũng săn được những con thú rừng lớn và sử dụng lửa trước khi loài Homo sapiens nổi lên.
Thế nhưng bây giờ chúng ta đã trở thành kẻ thống trị hành tinh, và đi xa hơn nữa, ta bắt đầu tìm kiếm và chinh phục những chân trời mới trong vũ trụ. Làm sao mà ta có thể làm được như vậy? Để tìm hiểu được điều đó, ta phải bắt đầu từ khi loài người tiến hóa. Loài người đầu tiên xuất hiện vào khoảng cách đây 2,5 triệu năm tại Đông Phi, tiến hóa từ một loài linh trưởng lớn có tên là Australopithecus. Những người đầu tiên này được biết đến với cái tên Homo rudolfensisHomo erectus, đã di cư khỏi Đông Phi tới những vùng đất hứa. Để làm quen và thích nghi với môi trường mới, giống loài này đã tiến hóa thành các dạng người khác bao gồm Homo neanderthalensis sống ở châu Âu, Homo erectus sống ở châu Á và Homo soloensis ở quần đảo Java.
Cho tới tận cách đây 300.000 năm, Homo sapiens(người tinh khôn) mới bắt đầu xuất hiện. Tuy mỗi loài người đều có cách thức sinh hoạt khác nhau, nhưng có những bằng chứng cho thấy loài người tiền sử cũng lai tạp.
Các nhà khoa học khi lập bản đồ gene của loài Homo neanderthalensis đã phát hiện ra rằng: có một tỉ lệ nhỏ gene của giống người này trong những người có nguồn gốc ở châu Âu ngày nay. Giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra để lý giải cho việc này là do giao phối chéo: loài Homo sapiens đã bắt đầu giao phối với các loài người khác – đặc biệt là Homo neanderthalensis và dần hòa nhập với các loài người khác.
Giả thuyết thứ hai, Thuyết Thay thế, cho rằng nhờ vào sự vượt trội nhỏ về mặt kỹ năng và công cụ mà Homo sapiens đã đẩy những loài người khác tới tuyệt chủng – bằng cách cướp đi nguồn thức ăn hay đơn thuần là giết họ.
Có lẽ cả hai giả thuyết đều đúng một phần: Homo sapiens đã hủy diệt những loài người khác bằng cả hai cách là tàn sát và giao phối chéo với họ.

Cuộc cách mạng Nhận thức: Chúng ta phải đánh đổi những gì để có được trí khôn chinh phục hành tinh

Vậy là chúng ta đã biết làm thế nào mà những giống người khác đã bị đẩy tới tuyệt chủng bởi Homo sapiens, nhưng điều gì đã mang lại cho chúng ta những ưu thế đó?

Câu trả lời nằm ở bộ não có cấu trúc vô cùng đặc biệt của loài Homo sapiens. Vào khoảng 70.000 năm về trước, bộ não con người đã có một bước nhảy vọt được gọi là Cuộc cách mạng nhận thức. Bước tiến này đã giúp loài người tiền sử tương đối tăng cường khả năng tư duy và sức mạnh của não bộ: họ phát minh ra những công cụ tinh xảo hơn và có những hình thức trao đổi hàng hóa nguyên thủy đầu tiên. Nhờ vào đó, Homo sapiens có thể tìm được nguồn thức ăn ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, hơn hẳn các loài người khác.

Thực tế, trong cuộc đụng độ đầu tiên giữa Sapiensvà Neanderthals, Neanderthals mới là loài chiến thắng. Cách đây khoảng 100.000 năm, khi những nhóm người Sapiens lần đầu tiên tới vùng Levant phía đông Địa Trung Hải – lãnh thổ của Neanderthals, khí hậu khắc nghiệt và dịch bệnh đã khiến họ không thể tồn tại quá lâu. Nhưng sau cuộc Cách mạng nhận thức, loài Homo sapiens đã có thể hợp tác theo nhóm và săn được những con thú lớn nhiều dinh dưỡng, tạo ra giày và quần áo ấm từ da và lông của con vật.
Cuộc cách mạng về trí não này đã cho loài người hiện đại khả năng di chuyển tới gần như mọi ngóc ngách trên thế giới. Khởi nguồn từ châu Phi, họ đã dần lan ra và xâm chiếm châu Âu, châu Á và thậm chí cả Australia. Trên con đường rèn luyện kỹ năng săn bắn của mình, Homo sapiens đã để lại vô số dấu tích về nạn diệt chủng: voi ma-mút, những loài động vật có vú nhỏ hơn, các loài chim và thậm chí là cả ký sinh trùng.
Nhưng cái giá phải trả cho cuộc cách mạng này cũng không hề nhỏ. Loài Homo sapiens đã phải đánh đổi sức khỏe của mình để lấy sức mạnh trí óc – bộ não của chúng ta to ra, hoạt động nhiều hơn, nhưng ta cũng phải tốn nhiều năng lượng hơn cho việc tư duy, và cơ bắp của chúng ta teo lại. Việc đứng thẳng bằng hai chân và khéo léo bằng hai tay cũng dẫn đến chứng đau lưng và thoái hóa đốt sống cổ cho loài Sapiens. Phụ nữ thậm chí còn phải trả giá nhiều hơn. Việc đứng thẳng khiến xương chậu hẹp lại, nhưng đầu của trẻ em lại ngày càng lớn khiến việc sinh con vô cùng đau đớn và khó khăn. Vì vậy có thể nói tự nhiên đã ủng hộ con người sinh non để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ. So với những loài động vật khác, như một con linh dương con có thể chạy nhảy sau vài giờ đồng hồ hay một con mèo con có thể săn mồi chỉ sau vài tuần tuổi, đứa bé mới ra đời rất yếu ớt và cần sự quan tâm chăm sóc của không chỉ bà mẹ (bởi vì lúc này người mẹ không có khả năng đi kiếm ăn) mà toàn bộ cả cộng đồng người sống cùng.

Ngôn ngữ của chúng ta có gì khác với tiếng hót đơn giản của loài chim?

Trước đó có thể loài người đã giao tiếp với nhau và có vốn từ vựng riêng, bằng những cách thức hết sức thô sơ và lạc hậu. Các loài vật cũng giao tiếp với nhau, kể cả loài côn trùng như con ong cái kiến. Một con khỉ có thể nói với đồng loại rằng: “Ê, sư tử!” và tất cả bọn chúng sẽ trèo tót lên cái cây. Một con vẹt có thể nhại lại tất cả những gì Albert Einstein nói cho dù nó chẳng hiểu gì cả. Cái chúng ta hơn ở loài vật không phải là thứ âm thanh chúng ta phát ra hàng ngày, cá voi và cá heo còn tạo ra được âm thanh mà ta không nghe nổi. Vậy điều gì khiến ngôn ngữ của chúng ta đặc biệt đến thế?
Câu trả lời được nhiều người đồng ý nhất là ngôn ngữ của chúng ta được dùng hết sức uyển chuyển. Chỉ với một số lượng hữu hạn các kí tự và âm thanh, chúng ta có thể tạo ra vô hạn các từ và câu, và mỗi câu đó lại có một ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Một con khỉ có thể nói với đồng loại rằng: “Ê, sư tử!”Nhưng một con người sẽ nói với đồng loại của cô ấy rằng: “À, sáng nay ở gần bờ sông tôi nhìn thấy một con sư tử đang lần theo dấu vết của một đàn bò rừng.” Bằng ngôn ngữ, cô ấy có thể dễ dàng mô tả chính xác địa điểm và cùng đồng loại thảo luận chiến lược để xua con sư tử và săn bò, tránh được loài động vật săn mồi nguy hiểm kia. Một ví dụ khác, bằng cách sử dụng ngôn ngữ, một người nếu tìm thấy nguồn hoa quả phong phú có thể kể cho người khác rằng nó ở đâu.
Một lí thuyết khác cho rằng sự tiến hóa của ngôn ngữ là kết quả của quá trình chia sẻ thông tin về thế giới xung quanh. Theo thuyết này, loài người là loài động vật mang tính bầy đàn, họ phải cùng nhau hợp tác để sinh tồn và sinh sản. Ngôn ngữ phát triển là do loài người ngồi buôn dưa lê với nhau. Không phải chỉ về sư tử hay bò rừng, họ nói chuyện về “anh kia cặp với chị này, anh kia đập đánh chị này hay đứa này là đứa trung thực, đứa kia là thằng Sở Khanh.” Kỹ năng giao tiếp của loài người giúp họ có thể buôn chuyện với nhau hàng giờ liền. Những thông tin quan trọng sẽ giúp các bầy Sapiens mở rộng được lãnh thổ và tạo ra những mối quan hệ hợp tác bền chặt hơn.

Qua ngôn ngữ, loài Homo sapiens không chỉ có thể chia sẻ thông tin về thế giới vật lý; họ có thể tưởng tượng cùng nhau và trao đổi về những khái niệm trừu tượng như chúa, lịch sử và quyền con người.

Những khái niệm trên – đôi khi được gọi là huyền thoại – là sản phẩm của bộ não con người; chúng chỉ có thể xảy ra nhờ vào khả năng ngôn ngữ và là hòn đá đặt nền móng cho văn minh nhân loại. Bằng cách chia sẻ những ý tưởng về tôn giáo, nhân dạng hay tự do, cộng đồng người đã được hình thành.
Việc tạo ra văn hóa và tăng khả năng sống sót đã giúp con người phát triển về số lượng. Những người đầu tiên chỉ sống ở các bộ lạc nhỏ – với tối đa là 150 người. Nhưng nhờ vào ngôn ngữ và trí tưởng tượng, các cộng đồng đã mở rộng rất nhiều: từ làng tới thành phố; từ thành phố tới thành bang và từ thành bang tới các quốc gia hiện đại.

Từ săn bắt hái lượm tới trồng trọt chăn nuôi: Cuộc cách mạng Nông nghiệp là sai lầm lớn nhất của loài Sapiens

Trong hầu hết thời gian tồn tại trên Trái Đất này, Homo sapiens sống theo kiểu du mục nay đây mai đó. Hầu hết tổ tiên của chúng ta hái những quả trên cây mọc hoang và săn những loài thú rừng. Thay vì việc ở yên một chỗ, họ đi từ nơi này sang nơi khác, bất kể là chỗ nào có nguồn thức ăn phong phú hơn.
Nhưng cách đây khoảng 12.000 năm, điều này đã bắt đầu thay đổi. Cái mà chúng ta gọi là Cách mạng Nông nghiệp xảy ra khi Homo sapiens dừng việc chỉ dựa vào săn bắt hái lượm mà thay vào đó là trồng hoa màu và thuần hóa các loài động vật. Chỉ trong khoảng thời gian 2000 năm, hầu hết nhân loại đều chuyển sang nông nghiệp – một cuộc chuyển dịch mang tính cách mạng.
Có thể Cách mạng Nông nghiệp là tiền đề cho sự phát triển, nhưng tại sao tổ tiên của chúng ta lại chọn nông nghiệp thay cho săn bắn?

Đầu tiên, nếu làm nông nghiệp thì chúng ta tốn nhiều thời gian hơn, nếu một người thợ săn chỉ cần vài tiếng là đủ ăn cho cả ngày, một người nông dân phải làm việc từ sáng đến tối trên cánh đồng.

Và thứ hai là chất lượng thực phẩm. Nông nghiệp thuở sơ khai chỉ có một vài loại ngũ cốc rất khó tiêu và thiếu dưỡng chất cần thiết, so với sự phong phú của thịt, các loại hạt và hoa quả, có lẽ săn bắt hái lượm sẽ được ưa chuộng hơn nhiều. Người săn bắn hái lượm không cần phải lo đến tương lai bởi vì họ chỉ cần thức ăn cho hôm nay, còn ngày mai nếu không có thì có thể đi nơi khác.

Lý do để loài người chọn nông nghiệp là chuyển giao từ du mục sang trồng trọt là một quá trình chậm rãi, mỗi thế hệ ngày càng gắn bó với xã hội hơn một chút, bởi vì nông nghiệp cần nhiều nhân công hơn, chúng ta phải ở một chỗ lâu hơn chờ cây lúa lớn lên, sau đó thu hoạch. Và khi các nhà sử học đã nhận ra mặt trái của nông nghiệp, đã quá muộn để quay lại. Nhờ việc ổn định một chỗ lâu dài, loài người bắt đầu sáng tạo thêm ra nhiều thứ trừu tượng hơn như luật lệ, quyền con người và trật tự xã hội, giúp xã hội ngày càng trở nên ổn định hơn.
Hơn nữa, mặc dù có những khuyết điểm, nông nghiệp có một lợi thế lớn: nó hiệu quả hơn rất nhiều. Cùng một diện tích đất, nông dân có thể trồng được một số lượng lớn các loại cây ăn được. Điều này giúp tăng nguồn cung thức ăn và xã hội loài người có thể nuôi sống được nhiều người hơn, từ đó dẫn đến các cuộc bùng nổ dân số, tích trữ lương thực và sáng tạo ra thứ để trao đổi nó: Tiền.

Các nền văn hoá mang trong mình những đặc điểm riêng và liên tục thay đổi

Vào nửa đầu thế kỷ 20, các học giả cho rằng, mỗi nền văn hoá đều mang một bản chất cốt lõi không thể thay đổi. Chỉ khi chịu những tác động bên ngoài, nó mới thay đổi. Do vậy, họ xem “Nền văn hoá Samoa” hay “Nền văn hoá Tasmania” như là những niềm tin, tiêu chuẩn và giá trị tạo ra các đặc điểm của người Samoa và người Tasmania thời xưa.

mỗi nền văn hóa mang những đặc điểm, tiêu chuẩn, niềm tin đặc thù nhưng chúng liên tục thay đổi
Tuy vậy, ngày nay, các nhà nghiên cứu văn hoá lại cho rằng, điều ngược lại mới đúng. Điều này có nghĩa là mỗi nền văn hóa mang những đặc điểm, tiêu chuẩn, niềm tin đặc thù nhưng chúng liên tục thay đổi. Bản thân mỗi nền văn hoá tự biết cách điều chỉnh mình để thích nghi với những thay đổi trong môi trường của nó hoặc để tương tác với các nền văn hoá láng giềng. Chẳng hạn như, một người đàn ông ở châu Âu thời trung cổ vừa đi theo Ki-tô giáo lại vừa tôn thờ tinh thần hiệp sĩ. Việc này biểu hiện ở chỗ, buổi sáng, anh ta có thể đến nhà thờ để nghe những bài diễn thuyết của các vị thánh như hãy sống nhu mì, tránh xa bạo lực và thói tiêu xài hoang phí. Tuy nhiên, vào buổi chiều, khi trở về nhà, anh ta lại trút bỏ bộ quần áo giản dị và khoác trên mình tấm áo lụa đẹp nhất, sau đó tới dự một bữa tiệc xa hoa trong lâu đài lãnh chúa. Tại đó, anh ta cùng các vị khách trò chuyện về bao cuộc chiến đẫm máu và thốt ra những lời đùa cợt bẩn thỉu. Mâu thuẫn này chưa bao giờ được giải quyết một cách triệt để. Vì thế, các cuộc Thập tự chinh ra đời với nỗ lực làm cho tư tưởng Ki-tô và tinh thần hiệp sĩ ăn khớp với nhau.
Mặc dù vậy, văn hoá trung cổ đã không thể hoà trộn tinh thần hiệp sĩ và Ki-tô giáo. Đây không những không phải là khuyết điểm của văn hoá trung cổ mà còn trở thành động cơ của văn hoá, thôi thúc tính năng động của con người. Mỗi người thuộc bất kỳ một nền văn hoá nào đó đều có những niềm tin trái ngược nhau và bị giằng xé bởi những giá trị không tương hợp. Đây là đặc điểm cơ bản của mỗi nền văn hoá. Nếu con người không thể giữ vững niềm tin và những giá trị trái ngược nhau thì có lẽ họ sẽ không thể xây dựng và duy trì được bất cứ nền văn hoá nào.
Sau hàng ngàn thiên niên kỷ, những nền văn hoá nhỏ dần hợp nhất thành một nền văn hoá lớn hơn. Đương nhiên điều này chỉ đúng ở cấp độ vĩ mô. 90% loài người sống trong một thế giới khổng lồ đơn lẻ: thế giới Á – Phi. 10% còn lại được chia thành bốn thế giới có quy mô và độ phức tạp đáng kể:

Thế giới Mesoamerica gồm hầu hết vùng Trung Mỹ và một phần Bắc Mỹ
Thế giới Andes gồm hầu hết vùng phía tây của Nam Mỹ
Thế giới Australia gồm phần lục địa châu Úc
Thế giới Đại Dương gồm hầu hết các đảo phía tây – nam Thái Bình Dương, từ Hawaii đến New Zealand

Tiền tạo ra sự tin tưởng chung giữa những con người xa lạ

Bạn hãy thử hình dung, một anh trồng táo muốn đóng một đôi giày thật bền vì thế anh ta nảy ra ý định đổi một số táo trong vườn của mình để lấy một đôi giày. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, người đóng giày không muốn ăn táo mà anh ta muốn ly hôn. Đương nhiên, người trồng táo đã tìm đến một luật sư thích ăn táo để thực hiện một cuộc trao đổi ba bên. Tuy nhiên, nếu như vị luật sư đó lại đổi ý không thích ăn táo mà thích cắt tóc thì sao? Từ đó, các xã hội đã tìm ra giải pháp cho vấn đề rắc rối này đó là phát triển tiền tệ.
Trước khi phát minh ra tiền đúc hay tiền giấy, con người đã sử dụng nhiều đơn vị tiền như vỏ sò, gia súc, da động vật, muối, ngũ cốc, các loại hạt cườm, vải vóc và giấy ghi nợ để trao đổi hàng hoá. Thậm chí, ở một số nhà tù hiện đại, các tù binh còn sử dụng thuốc lá thay cho tiền.
Tiền không chỉ giúp con người trao đổi giữa các hiện vật với nhau mà còn là thứ của cải để dành. Không những vậy, bạn hãy thử tưởng tượng, một người nông dân không có tiền nhưng lại có một căn nhà với cánh đồng lúa và ông muốn chuyển đến ở một nơi khác. Đương nhiên, ông không thể mang toà nhà với cánh đồng lúa theo mình được, tuy vậy, ông hoàn toàn có thể bán hai thứ đó để đổi lấy tiền sau đó chuyển đến sống ở một nơi mới. Chính vì tiền có khả năng chuyển đổi, tích trữ và vận chuyển một cách dễ dàng nên nó đã góp phần quan trọng cho sự xuất hiện của những mạng lưới thương mại phức tạp và thị trường năng động.
Giá trị của đồng tiền không nằm ở kết cấu hoá học của vỏ ốc và tờ giấy mà nằm trong trí tưởng tượng của chúng ta. Nó là một hiện tượng tâm lý, thể hiện sự tin cậy giữa con người với nhau. Chẳng hạn như, một ông lão sẵn sàng bán nhà cửa, ruộng vườn để đối lấy những bao tải chứa tiền vỏ ốc là vì ông biết rằng, ông có thể dùng số vỏ ốc ấy để mua được nhà cửa, thóc gạo thậm chí những cánh đồng khác khi tới nơi ở mới. Nếu như không có niềm tin này thì các mạng lưới giao thương toàn cầu sẽ gần như không thể hoạt động được. Chẳng hạn như, vàng đã mở ra con đường mới để các nhà buôn châu Âu có thể mua lụa, đồ sành sứ và gia vị ở Đông Âu.
Quá trình hoạt động của tiền được dựa trên hai nguyên tắc bao gồm sự hoán đổi rộng rãi và sự tin tưởng rộng rãi. Nhờ hai nguyên tắc này, những người xa lạ có thể hợp tác hiệu quả với nhau trong buôn bán và sản xuất hàng hoá. Tuy vậy, các nguyên tắc này cũng dần bào mòn nhiều mối quan hệ thân tình, giá trị con người, thay vào đó là luật cung cầu.
Dù tiền đã tạo dựng nên niềm tin giữa những con người xa lạ nhưng sự tin tưởng này không đặt vào con người, cộng đồng hay những giá trị thiêng liêng mà vào chính bản thân tiền.

Đế quốc là gì? Có phải đế quốc chỉ toàn những mặt xấu?

Đế quốc có hai đặc tính quan trọng: thứ nhất, đế quốc phải cai trị một lượng đáng kể các dân tộc khác biệt, mỗi dân tộc lại mang bản sắc văn hoá của riêng mình và có một vùng lãnh thổ xác định. Điểm thứ hai là đường biên giới của các đế quốc rất linh hoạt và họ mang tham vọng vô tận.
Chính yếu tố đa dạng văn hoá và linh động lãnh thổ đã giúp các đế quốc thành công trong việc thống nhất các nhóm sắc tộc và các vùng dưới một cây chính trị duy nhất, gắn kết nhiều nhóm chủng người trên hành tinh này.
Sự ra đời của một đế quốc không nhất thiết phải thông qua các cuộc giao tranh quân sự, chẳng hạn như đế chế Athens xuất hiện như một liên minh tự nguyện. Một đế quốc cũng không cần phải do hoàng đế chuyên quyền cai trị. Ví dụ như trường hợp của nước Anh, đế quốc lớn nhất trong lịch sử, được cai trị bằng chế độ dân chủ. Diện tích lại càng không phải là yếu tố xác định một quốc gia có phải là đế quốc hay không. Ở thời kỳ hưng thịnh nhất, đế chế Athens có diện tích và dân số ít hơn nhiều so với Mexico hiện đại. Nhưng Athens là đế quốc còn Mexico hiện đại thì không.
Trong suốt hơn 2.500 năm qua, đế quốc là hình thức tổ chức chính trị phổ biến nhất trên thế giới. Đây thực sự là một hình thái chính quyền ổn định. Hầu hết các cuộc nổi dậy đều được đế quốc dập tắt. Nhìn chung, lý do khiến các đế quốc sụp đổ xuất phát từ sự chia rẽ trong tầng lớp cầm quyền hoặc do bị ngoại bang xâm lược. Dẫu vậy, sự ra đi của một đế quốc nào đó không có nghĩa là các dân tộc bị trị được giải phóng. Điều thường diễn ra là các đế quốc mới thường sẽ lấp ngay vào khoảng trống quyền lực do đế quốc cũ để lại.
Nhìn chung, việc thiết lập và duy trì đế quốc bắt buộc phải trải qua rất nhiều vụ tàn sát đẫm máu một lượng lớn dân cư và đàn áp tàn bạo những người còn sống sót. Thế nhưng điều này không có nghĩa là đế quốc chỉ toàn những mặt tối. Nếu ta chối bỏ các di sản do đế quốc để lại, đồng nghĩa với việc ta vứt bỏ hầu hết văn hoá loài người. Nhiều thành tựu văn hoá của nhân loại được tạo ra nhờ một phần vào quá trình bóc lột số dân chúng bị chinh phục. Nếu không có số của cải do Mugal bóc lột thần dân Ấn Độ thì chúng ta sẽ không được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của lâu đài Taj Mahal.
Bên cạnh đóng vai trò quyết định trong việc tập hợp nhiều nền văn hoá nhỏ thành một nền văn hoá lớn, các đế quốc còn tích cực truyền bá văn hoá. Việc này sẽ khiến cho sự cai trị của họ dễ dàng hơn và giúp họ hợp pháp hoá những hành động đáng ngờ như thuế vụ, quân dịch, tôn sùng hoàng đế. Tư tưởng văn hoá các đế quốc truyền bá hiếm khi là sản phẩm của riêng giai cấp ưu tú thống trị mà thường là tập hợp những tư tưởng, tiêu chuẩn và truyền thống từ nhiều nơi.
Khi bước sang thế kỷ 21, chủ nghĩa dân tộc dần mất đi chỗ đứng. Sự xuất hiện của các vấn đề toàn cầu khiến cho không một nhà nước có chủ quyền nào có thể một mình khắc phục hiện tượng ấm lên toàn cầu. Các quốc gia đang phải mở cửa cho các guồng máy của thị trường toàn cầu, cho sự can thiệp của các công ty toàn cầu, các tổ chức phi chính phủ, cho sự giám sát của dư luận quốc tế và hệ thống tư pháp quốc tế.

Tôn giáo quan niệm thế nào về thế giới?

Tôn giáo được hiểu là hệ thống các quy chuẩn và giá trị con người được xây dựng dựa trên niềm tin vào một trật tự siêu nhiên.
Sau hơn 2.000 năm bị độc thần giáo tẩy não, đa số người phương Tây đều đánh giá đa thần giáo là sự mông muội và ấu trĩ. Đây là một định kiến bất công.
Đa thần giáo không quan tâm đến những ham muốn, mối bận tâm và lo lắng trần tục của con người. Do vậy, thật vô nghĩa khi bạn cầu xin thế lực này ban cho sức khoẻ, ban cho mưa, giành thắng lợi trong các cuộc chiến. Theo đa thần giáo, lý do duy nhất để đến với quyền lực tối cao của vũ trụ là từ bỏ hết mọi tham sân si và bằng lòng với những cái hay, cái dở, thất bại, nghèo đói, bệnh tật và cái chết. Vì thế, một số người theo đạo Hindu luôn cố gắng nhận ra rằng, những ham muốn và sợ hãi của con người đều chỉ là hiện tượng phù du, vô nghĩa. Thấu hiểu đa thần giáo cho phép con người khoan dung với nhiều tôn giáo, chấp nhận quyền năng của các vị thần, không ngược đãi kẻ “dị giáo” và “ngoại đạo”. Ngay cả khi những người đa thần giáo như Ai Cập, La Mã và Aztec chinh phục các đế chế lớn, họ cũng không cố gắng cải tạo thần dân của mình, không gửi nhà truyền đạo và càng không cử quân đội đến những vùng đất xa xôi vì mục đích truyền đạo. Theo thời gian, một số tín đồ đa thần giáo ngày càng quá yêu mến một vị thần bảo hộ đến mức họ dần tách khỏi đa thần giáo cơ bản. Họ tin vị thần đó có quyền lực cao nhất và cho rằng, Ngài là đấng có những vị lợi, thiên kiến riêng và có thể thoả hiệp với Ngài. Chính điều này đã sinh ra thuyết độc thần và tín đồ của tôn giáo này luôn khẩn cầu đấng tối cao giúp họ khỏi bệnh, trúng số và giành thắng lợi trong các cuộc giao tranh.
Đa thần giáo còn sinh ra những tôn giáo nhị nguyên. Kiểu tôn giáo này công nhận sự tồn tại của hai sức mạnh đối lập: thiện và ác. Nhị nguyên giải thích rằng, toàn bộ vũ trụ là một chiến trường giữa hai lực lượng này. Điều hấp dẫn của thuyết nhị nguyên là nó có câu trả lời ngắn gọn, đơn giản cho những câu hỏi như “Tại sao cái ác tồn tại trên thế giới? Tại sao có đau khổ? Tại sao những điều xấu lại xảy ra với người tốt?” Lời giải thích là nếu không có cái ác, con người không phải lựa chọn giữa cái thiện và cái ác và do đó không có ý chí tự do.
Một khái niệm quan trọng khác trong thuyết nhị nguyên là sự phân biệt rõ ràng giữa thể xác và linh hồn, giữa vật chất và tinh thần.Theo quan niệm này, con người là hiện thân của cuộc chiến giữa linh hồn tốt đẹp và thân xác xấu xa. Chính sự phân biệt rạch ròi giữa linh hồn và thể xác, vật chất và tinh thần trong thuyết nhị nguyên đã giúp các tín đồ độc thần giải quyết được các vấn đề về cái ác. Cuối cùng, điều này đã trở thành nền tảng tư tưởng của Ki-tô giáo và Hồi giáo. Thiên đường (Vương quốc của Chúa) và địa ngục (vương quốc của ác quỷ) đều xuất phát từ niềm tin này.
Tất cả các tôn giáo mà chúng ta thảo luận có đặc điểm chung là chúng đều tập trung đức tin vào thần linh và thực thể siêu nhiên khác. Tuy nhiên, vào thế kỷ 1 TCN, các tôn giáo như Jaina giáo và Phật giáo ở Ấn Độ, Đạo giáo và Nho giáo ở Trung Quốc, chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa hưởng lạc lại coi thường thần linh. Họ cho rằng, thế giới được chi phối bởi các quy luật của tự nhiên chứ không phải ý chí của thần linh. Một số tôn giáo vẫn coi trọng sự tồn tại của những vị thần nhưng thần linh của họ là hiện thân của những quy luật tự nhiên. Chẳng hạn như Phật giáo là một ví dụ điển hình. Quy luật được các Phật tử thừa nhận như một định luật tự nhiên phổ quát là: đau khổ phát sinh từ tham ái, cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là giải thoát bản thân hoàn toàn khỏi tham ái. Một người không thèm muốn thì sẽ không nếm trải cảm giác đau khổ.
Nói tóm lại, chúng ta nghiên cứu lịch sử không phải để biết tương lai vì môn khoa học này không có phương tiện để đưa ra các dự đoán chính xác như vật lý hay kinh tế. Ta nghiền ngẫm lịch sử là nhằm mở rộng chân trời hiểu biết của mình, để biết rằng tình trạng hiện nay của chúng ta không phải do tự nhiên, cũng không phải do tất yếu và chúng ta có nhiều lựa chọn hơn mình tưởng.

Cách mạng khoa học đưa nhân loại bước lên kỷ nguyên hiện đại hóa, chủ nghĩa đế quốc và tăng trưởng kinh tế

Trong phần lớn thời gian tồn tại của mình, loài người là một giống loài khá bi quan. Đa số con người, trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn vạn năm đều không tin tưởng vào khả năng của mình. Thay vào đó, họ đặt niềm tin vào những đấng toàn năng, thần, Phật, Chúa Trời… Và vì suy nghĩ thâm căn cố để rằng những đấng toàn năng ấy có quyền kiểm soát đối với mỗi con người trong suốt cuộc đời của họ, nên con người hầu như không hề cố gắng tìm hiểu những cái mới, tìm tòi những sáng tạo khoa học hay thực sự suy nghĩ xem vạn vật xung quanh đang vận hành như thế nào. Cách tồn tại tốt nhất chính là ngồi im và chờ đợi số phận được sắp đặt trước đến với mình.
Tuy nhiên, cho đến thế kỷ 16 và 17, thái độ bi quan và thụ động này dần thay đổi. Một cuộc cách mạng khoa học tràn qua Châu Âu và mang lại những thành tựu vĩ đại không ngờ tới. Thay vì phó mặc số phận mình cho Chúa Trời, con người bắt đầu suy nghĩ xem làm thế nào để có thể tự cải thiện cuộc sống của bản thân mình và cải thiện được xã hội thông qua khoa học.
Bằng cách áp dụng các nguyên tắc khoa học thăm dò, thử nghiệm và quan sát, con người đã thực hiện được những bước nhảy vượt bậc trong nhận thức về hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống, mà đặc biệt là y học, thiên văn học và vật lý học. Các phát kiến đã giúp cho xã hội nói chung trở thành một nơi đáng sống và dễ sống hơn rất nhiều.

Lấy tỷ lệ tử vong ở trẻ em làm ví dụ. Kể từ khi phương pháp khoa học được áp dụng cho y học và y tế công cộng, tỷ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm đi đáng kể. Trong quá khứ, ngay cả ở những gia đình hoàng tộc và giàu có nhất thì cũng chỉ có ba hoặc bốn trẻ em (trên tổng số 10-15 trẻ em được sinh ra) là có thể sống được đến tuổi trưởng thành. Ngày nay, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh chỉ còn trung bình là khoảng 1/1000.

Không chỉ mang lại những lợi ích vượt bậc trong việc cải thiện sức khỏe con người, việc theo đuổi khoa học cũng đã cho thấy những lợi ích to lớn khác về mặt kinh tế – điều mà chính phủ Châu Âu đã nhanh chóng nhận ra và không lỡ thêm một phút giây nào để tận dụng nó. Các nhà khoa học, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của hoàng gia, đã ra khơi để tìm kiếm các ý tưởng và nguồn lực để kiếm tiền và làm giàu mạnh thêm cho quốc gia của họ.

Tiêu biểu nhất có thể kể đến sự kiện vua Castile tài trợ cho cuộc hành trình nổi tiếng của Columbus vượt Đại Tây Dương, mà kết quả của nó chúng ta không còn xa lại gì nữa: Columbus khám phá ra Châu Mỹ. Đổi lại cho sự ủng hộ việc thăm dò và thám hiểm đó, nhà vua đã mua lại một đế chế Mỹ khổng lồ đầy rẫy các nguồn tài nguyên quý giá như vàng, bạc và các mỏ quặng.
Tương tự như vậy, chính phủ Anh đã phái James Cook để khám phá miền Nam Thái BÌnh Dương – sự kiện tiền đề đưa họ đến với các lãnh thổ rộng lớn và giàu đẹp của Úc, New Zealand…
Và dù trong bất kì trường hợp nào, các nền kinh tế Châu Âu cũng đều phát triển như là kết quả của việc thăm dò và đổi mới khoa học. Nhưng điều đáng tiếc nhất là: lợi ích của dân Châu Âu lại được đánh đổi bằng chính chi phí của những người dân bản địa nơi người Châu Âu đặt chân đến. Hàng trăm nền văn minh cổ xưa và đặc trưng đã bị phá hủy, các di tích bị tàn phá, người bản địa bị đàn áp, giết hại hoặc bắt làm nô lệ…

Sức mạnh của chủ nghĩa tư bản và xã hội theo kiểu chủ nghĩa đế quốc Châu Âu

Chúng ta vừa mới khám phá ra cách mà các Chính phủ Châu Âu sử dụng các phương pháp khoa học để bành trướng quốc gia cũng như tăng cường lợi nhuận. Và nó đã thực sự thể hiện được sức mạnh khi vào thế kỷ 19, một nửa diện tích trên toàn thế giới là thuộc địa của Đế quốc Anh.
Với sự vươn tầm vĩ đại này, các quốc gia Châu Âu đã lan tỏa tầm ảnh hưởng của họ đến tới mọi ngóc ngách trên toàn thế giới. Những tập quán, văn hóa, luật lệ địa phương bị thay thế dần bởi các siêu văn hóa khác dựa trên những chuẩn mực Châu Âu – tôn giáo Phương Tây, sự dân chủ của Phương Tây và khoa học Phương Tây. Và mặc dù các Đế quốc Châu Âu này đã lụi tàn và mất đi tầm ảnh hưởng từ lâu, chúng ta cũng vẫn quen với việc thừa hưởng những di sản văn hóa này.
Cho đến nay, chuẩn mực văn hóa toàn cầu vĩ đại nhất còn lại chính là chủ nghĩa tư bản. Nhờ vào những lãnh thổ và thuộc địa to lớn rộng khắp toàn cầu của các Đế quốc Châu Âu, con người trên toàn thế giới dần tin vào tầm quan trọng và sức mạnh của đồng tiền.
Ngày nay, dù bạn sống ở Brazil hay Bhutan, Canada hay Campuchia, hầu hết cuộc sống của con người đều xoay quanh cơm-áo-gạo-tiền và những sở hữu về mặt vật chất khác. Chúng ta đều muốn tối đa hóa thu nhập và thể hiện mức độ giàu sang của mình thông qua quần áo, ví tiền cùng nhiều xa xỉ phẩm.
Trên thực tế, chính sức mạnh và sự ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản trên toàn cầu, cùng với sự giúp sức đắc lực của khoa học, đã phần nào xóa mờ đi dấu ấn của những yếu tố văn hóa, đặc biệt là tôn giáo.
Khoa học hiện đại đã phủ nhận rất nhiều tư tưởng tôn giáo. Điển hình như con người đã từng tin tưởng rằng Chúa tạo ra Thế giới trong bảy ngày, nhưng giờ đây, chúng ta tin vào thuyết tiến hóa của Darwin thông qua chọn lọc tự nhiên, và loài người, cũng như bất kỳ loài sinh vật nào khác, đều đã trải qua quá trình hình thành và phát triển hàng vạn năm.
Và bởi niềm tin vào tôn giáo ngày càng lung lay, ý thức hệ về chủ nghĩa Tư bản đã trở thành tiên phong. Ví dụ, thay vì tin vào việc chờ đợi hạnh phúc ở thế giới bên kia và mọi đau khổ chỉ biến mất khi con người chết đi, ngày nay ta lại tập trung vào việc thỏa mãn những nhu cầu của ta ngay lúc này, tại chính Trái đất này. Điều đó hiển nhiên đã dẫn dắt chúng ta tìm tòi nhiều hơn, trao đổi và tiêu thụ ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ – những thứ sinh ra để làm con người hạnh phúc hơn.

Nhân loại chưa bao giờ hòa bình hơn thế trong suốt thời đại của toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa là một vấn đề luôn gây tranh cãi và không phải ai cũng hạnh phúc vì điều đó. Chúng ta có thể thấy vô số những sự chỉ trích hướng về vấn đề toàn cầu hóa làm mất đi sự đa dạng về văn hóa như thế nào, biến cả thế giới này thành một khối đồng nhất ngu ngốc ra sao.
Nhưng bất chấp những chỉ trích đó, thì toàn cầu hóa vẫn mang lại một lợi thế khổng lồ: Khiến thế giới trở nên yên bình hơn.
Các quốc gia hiện đại phụ thuộc lẫn nhau để cùng xây dựng sự phồn thịnh. Và trong một thế giới toàn cầu hóa, mạng lưới giao thương và đầu tư trải dài qua nhiều quốc gia nên một cuộc chiến tranh hay bất ổn định ở một khu vực có thể gây ra những hậu quả kinh tế rộng khắp.
Kết quả là, hầu hết lãnh đạo các quốc gia châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ đều vô cùng cẩn trọng và tích cực trong việc duy trì hòa bình thế giới. Sự cẩn trọng và tích cực này đã tạo ra những kết quả tốt đẹp. Kể từ năm 1945, không có sự xâm chiếm và đô hộ nào xảy ra giữa các quốc gia. Chỉ cần nhìn vào những bạo lực khủng khiếp và hậu quả nặng nề mà thế giới đã phải gánh chịu kể từ sau Thế chiến Thứ 2, ta có thể dễ dàng nhận ra thế giới toàn cầu hóa hiện nay đã yên bình và tốt đẹp đến thế nào.
Bởi thế, thế kỷ 20 chính là thế kỷ yên bình nhất cho đến nay. Mặc dù nghe có vẻ thật khó tin, nhưng chỉ cần nhìn lại lịch sử một chút, ta có thể nhận ra xã hội loài người, kể từ cuộc Cách mạng Nông nghiệp cho đến nay, đều luôn cố gắng để quay lưng lại với bạo lực.
Ước tính rằng, trước khi làm nông nghiệp, vào thời kì mà con người vẫn chỉ biết săn bắt hái lượm, 30% những người đàn ông trưởng thành trở thành nạn nhân của giết người cố sát hoặc ngộ sát. Nhưng trong xã hội hiện đại, chỉ có khoảng 1% nam giới trưởng thành chết vì bạo lực. Chúng ta có thể dễ dàng thấy được thành tựu mà nhân loại đã đạt được cho đến nay.
Vậy thì, tại sao hiện tại chúng ta lại hòa bình như vậy? Bởi thứ bậc, cấu trúc xã hội phát triển sau cuộc Cách mạng Nông nghiệp đã thúc đẩy con người tuân theo luật lệ cấm giết chóc và bạo lực, từ đó tạo nên sự ổn định, hài hòa trong xã hội và nền kinh tế.
Vậy nên, chúng ta đang sống trong thời kỳ yên bình nhất, nhưng không thể vì thế mà chủ quan và xao lãng đi. Chúng ta cần phải luôn chú ý đến những nguy cơ xung đột tiềm tàng, bởi nếu bùng nổ thêm bất kỳ một cuộc Thế chiến nào nữa thì sẽ mang tới những hậu quả khủng khiếp không thể lường trước được cho nhân loại. Chúng ta phải cùng nhau tận hưởng hòa bình, và luôn luôn tự nhắc nhở mình cần phải chung tay duy trì hòa bình ấy.

Lịch sử thì không có đúng hay sai, tốt hay xấu; những thăng trầm ấy liên quan trực tiếp đến hạnh phúc của chúng ta

Cuộc hành trình của chúng ta qua lịch sử của Homo sapiens đã gần hoàn thành. Chúng ta đã đi qua quãng thời gian 300.000 năm, từ những đồng cỏ Đông Phi cho đến thế giới toàn cầu hóa hiện đại.
Và chúng ta cũng đã ít nhiều hiểu được xu thế chung trong sự phát triển của loài người, nhưng ta lại chưa hề đề cập gì tới những yếu tố tác động đến chúng ta trên phương diện cá nhân. Mặc dù sức khỏe, của cải và hiểu biết của chúng ta đều được tăng lên đáng kể, nhưng liệu chúng ta có hạnh phúc hơn?
Thật đáng buồn, xét trên bình diện cá nhân, câu trả lời có lẽ là không. Nhưng tại sao lại không?
Những nghiên cứu và quan sát của các nhà khoa học dựa trên bảng câu hỏi và ý kiến từ người tham gia đã cho thấy rằng, mặc dù trong ngắn hạn, con người có trải qua những trạng thái cảm xúc đan xen giữa hạnh phúc hay khổ đau, nhưng xét về lâu về dài thì sự hạnh phúc của chúng ta chỉ duy trì ở một mức độ nhất định.
Ví dụ, nếu bây giờ bạn mất việc và trở nên thất nghiệp, bạn sẽ cảm thấy thật bất hạnh, và bạn cảm thấy như cảm giác khốn kiếp ấy sẽ kéo dài mãi mãi, mức độ hạnh phúc của bạn trên thang điểm Hạnh phúc sẽ tụt xuống một cách thê thảm. Nhưng không, sau một quãng thời gian dài quen với tình trạng đó, mức độ hạnh phúc của bạn sẽ quay trở về ngưỡng bình thường.
Nhìn lại lịch sử, ta cũng thấy những ví dụ tương tự. Trong suốt cuộc Cách mạng Pháp, những người nông dân cảm thấy vô cùng hạnh phúc sau khi giành lại được độc lập tự do. Nhưng không lâu sau sự kiện vĩ đại ấy, hầu hết mọi người nông dân lại chẳng còn cảm thấy hạnh phúc gì nữa, thay vào đó họ quay sang lo lắng cho sản lượng mùa màng của họ vào năm tới.
Homo sapiens có lẽ đã duy trì sự cân bằng này giữa tự mãn và tuyệt vọng để đảm bảo rằng họ sẽ không bị đánh gục bởi những sự kiện bi thương hay tự thỏa mãn bản thân đến mức ngừng phấn đấu cho những điều tốt đẹp và to lớn hơn.
Vì thế, mức độ hạnh phúc cá nhân của chúng ta có lẽ không hề tăng lên. Nhưng còn về mức độ của xã hội thì sao? Với tất cả những cải thiện trong chất lượng cuộc sống, chúng ta chắc chắn đã hạnh phúc hơn những thế hệ trước.
Thực ra, nó còn tùy thuộc xem bạn là ai. Hầu hết những của cải tạo ra bởi con người hóa ra lại chảy vào túi của một thiểu số những người da trắng giàu có và quyền lực. Ngoài nhóm này, hầu như những bộ lạc bản địa, những người phụ nữ và người dân da màu lại chẳng hề có được sự cải thiện tương xứng. Hết lần này đến lần khác, họ trở thành nạn nhân của Chủ nghĩa Đế quốc và Chủ nghĩa Tư bản. Và chỉ có trong thời kỳ hiện đại gần đây, họ mới đang dần lấy lại được sự công bằng.

Trong tương lai, Homo sapiens sẽ phá vỡ những giới hạn về mặt sinh học, trở thành giống loài thay thế Chúa Trời

Giờ chúng ta đã biết về quá khứ, thế còn tương lai thì sao? Những tiến bộ khoa học và phồn thịnh sẽ dẫn chúng ta đi tới đâu? Lời gợi ý cho những thắc mắc này nằm ở cái mà các nhà khoa học đang khám phá và phát triển.

Các nhà khoa học hiện nay đang tiến hành những bước tiến vĩ đại trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật – sinh học và chống lại sự lão hóa.

Với lĩnh vực kỹ – sinh, những rào cản giữa con người và máy móc sẽ dần được xóa nhòa. Các nhà khoa học đã tạo nên những tiến bộ thật sự ấn tượng. Ví dụ như trường hợp của Jesse Sullivan – một thợ điện ở Mỹ mất cả 2 cánh tay. Các nhà khoa học đã tạo cho anh ta một cặp tay robot có thể điều khiển bằng suy nghĩ và hệ thần kinh.
Các nhà khoa học cũng đang có những thành tựu nhất định trong lĩnh vực chống lại sự lão hóa. Họ đã tìm ra một phương pháp, thông qua sự thay thế bộ gene để nhân đôi vòng đời của một loài sâu, và gần như đã làm được điều đó trên cơ thể chuột. Còn bao lâu nữa thì các nhà khoa học sẽ tiến hành được sự can thiệp gene để con người cũng có thể bất tử như thế?
Cả hai dự án tìm kiếm sự bất tử và phát triển công nghệ kỹ – sinh đều là một phần của Dự án Gilgamesh – với nhiệm vụ khoa học vĩ đại là tìm kiếm một cuộc sống vĩnh cửu.

Vậy thì, điều gì đang ngăn cản chúng ta? Trong thời điểm hiện tại, các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này đang bị hạn chế rất nhiều bởi các rào cản về mặt pháp lý liên quan đến vấn đề đạo đức.
Có thể những rào cản này sẽ chẳng thể tồn tại mãi mãi. Nếu con người có thể khám phá ra cơ hội để sống trường thọ, thì chắc chắn sẽ chẳng có ai ngại ngần gì trong việc gạt bỏ mọi chướng ngại kia.
Điều đó giống như là, trong một tương lai không xa, chúng ta – những Homo sapiens sẽ thay đổi cơ thể mình một cách triệt để thông qua các tiến bộ khoa học kỹ thuật, và lúc ấy, ta sẽ chẳng còn thực sự là những Homo sapiens nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ trở thành một sinh vật hoàn toàn mới: nửa hữu cơ, nửa máy móc.
Và cũng rất có thể là, một loài mới của siêu người sẽ xuất hiện – chỉ là vấn đề khi nào mà thôi.

Kết luận

Từ một loài động vật tầm thường chỉ chú tâm đến chuyện sống sót ở châu Phi, Sapiens đã tự biến mình thành bá chủ hành tinh và là kẻ khủng bố với hệ sinh thái. Giờ đây, khi đã có năng lực tiếp cận với những vị thần, loài người nắm trong tay khả năng sáng tạo và hủy diệt.
Trong vài thập kỷ qua, chúng ta cuối cùng cũng đạt được một số tiến bộ thực sự trong việc thoát khỏi cái đói, dịch bệnh và chiến tranh. Thế nhưng liệu chúng ta có giảm được khổ đau trên thế giới, đem lại bình yên cho những loài động vật anh em trong khi tìm kiếm sự thoải mái của chính mình?
Nhện Ebook
5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x